Tăng trưởng “phi mã” của ngành làm đẹp tại Việt Nam

(Sobi Online) – Nhiều chuyên gia khẳng định, dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng ngành làm đẹp, mỹ phẩm tại Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức.

Tại Diễn đàn: “Vị thế thương hiệu ngành làm đẹp và mỹ phẩm tại Việt Nam: Cơ hội – thách thức” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thẩm mỹ đã mổ xẻ những thuận lợi cũng như khó khăn.

tang truong phi ma cua nganh lam dep tai viet nam
Năm 2018 doanh thu từ ngành làm đẹp, thẩm mỹ lên tới con số 2,3 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp làm đẹp nói chung và ngành mỹ phẩm nói riêng được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh. Báo cáo của Global Welness Institute (Tổ chức Giám sát Kinh tế sức khỏe toàn cầu) cho thấy, giai đoạn 2015-2017 ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu tăng trưởng 12,8%, từ 3.700 tỷ lên 4.200 tỷ USD (6,4%/năm). Mức chi tiêu khoảng 4.200 tỷ USD, lớn hơn một nửa so với tổng chi y tế là 7.300 tỷ USD.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dù khởi đầu chậm hơn so với các quốc gia khác, nhưng ngành mỹ phẩm Việt Nam đã có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Thống kê cho thấy, năm 2016 doanh thu từ mỹ phẩm đạt trên 1,2 tỷ USD, năm 2018 con số này đã là 2,3 tỷ USD. Với mức tăng trưởng mỗi năm lên đến trên 20% cùng dân số xấp xỉ 100 triệu người, chắc chắn doanh thu trong lĩnh vực mỹ phẩm sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Châu Á là thị trường làm đẹp thuộc top tăng trưởng nhanh chỉ sau châu Âu. Riêng tại Việt Nam, những năm gần đây những nhãn hàng mỹ phẩm, thẩm mỹ viện, spa ồ ạt mọc lên và ý thức làm đẹp cũng gia tăng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên và trung niên, những người có thu nhập trung bình khá. Theo dự báo, thị trường làm đẹp nói chung và mỹ phẩm nói riêng sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Từ thực tế kinh doanh, bà Đặng Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam khẳng định chính sự phát triển quá nhanh của dịch vụ thẩm mỹ kéo theo hàng loạt vấn đề đặt ra.

“Đó là tình trạng nhà nhà mở cơ sở thẩm mỹ, mở spa. Điều đáng nói, các cơ sở này chỉ được cấp phép làm đẹp không xâm lấn, nhưng họ lại quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ như nâng mũi, nâng ngực, phẫu thuật thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ chui…”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, các cơ sở này không có y bác sỹ mà chỉ có kỹ thuật viên đào tạo sơ sài trong vài ba tháng. Còn khách hàng chủ yếu là phụ nữ lại tin theo quảng cáo, sẵn sàng thực hiện kỹ thuật xâm lấn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và không ít trường hợp đã phải đến các bệnh viện chuyên khoa để cấp cứu điều trị. Thậm chí, có trường hợp đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo phân tích của bà Hương, một phần cũng do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý, còn các cơ sở làm đẹp thì vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả, trong khi người dân thì không thể kiểm tra được cơ sở đó có được cấp phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn hay không.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Bình, Tổng giám đốc CTCP Giáo dục Đào tạo &Thương mại Quốc tế cho rằng, bản thân các DN làm nghề thẩm mỹ, làm đẹp cần thật sự chú trọng vào cơ sở vật chất như phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ theo đúng quy định của Bộ Y tế để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

“Hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở trôi nổi không giấy phép còn tồn tại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp làm thẩm mỹ, mỹ phẩm tại Việt Nam”, bà Bình nêu.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng hoạt động của các DN Việt, các chuyên gia cho rằng cần có các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế cho các kỹ thuật viên; đồng thời các DN phải đảm bảo các kỹ thuật viên có đủ các chứng chỉ y tế quan trọng như phòng chống lây nhiễm, tạo hình một cách bài bản.

Bà Winnie Nguyễn, chuyên gia ngành làm đẹp tại Hồng Kông khẳng định, năm 2019 cũng như thời gian sắp tới sẽ là “thời điểm vàng” của ngành spa cũng như ngành chăm sóc sắc đẹp. Dự báo, mỗi năm sẽ có thêm 2.000 spa mở mới để đáp ứng nhu cầu của người dân, tương ứng với hàng chục nghìn vị trí tuyển dụng đang thiếu.

Tuy nhiên, cũng theo bà Winnie Nguyễn, nhiều cơ sở ra đời và hoạt động còn sai quy định, thiếu sự quản lý về chất lượng. Nhân lực trong ngành làm đẹp chủ yếu học nghề theo hình thức, vừa học vừa làm.

Chưa kể, một số cơ sở đào tạo không có sự cho phép của cơ quan chức năng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn, hiện các chủ spa đang làm công việc thay cho bác sỹ thẩm mỹ mà chưa được đào tạo chính quy, chưa qua bất kỳ một trường lớp nào.

D.Ngân

Trả lời