Rối loạn kinh nguyệt và cách phòng tránh

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt được đánh dấu bằng sự chảy máu từ âm đạo có chu kỳ, xảy ra khi niêm mạc tử cung bị bong ra và chảy máu. Thời gian của mỗi chu kỳ được tính từ khi bắt đầu kỳ kinh này đến khi bắt đầu kỳ kinh sau (ngày bắt đầu là ngày đầu tiên chảy máu).

Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt về thời gian, tần số và lượng máu mất trong ngày hành kinh, cùng với những triệu chứng khác kèm theo.

Rối loạn kinh nguyệt có thể gặp ở tuổi bắt đầu thấy kinh hoặc mãn kinh với nhiều biểu hiện khác nhau.

Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn kinh nguyệt

Do tình trạng cơ địa khác nhau nên chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng kinh nguyệt thất thường ở chị em phụ nữ có thể là do một số nguyên nhân như:

  • Rối loạn hoạt động nội tiết tác động lên hệ thống dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng làm cho chu kỳ kinh nguyệt sai lệch gây nên kinh nguyệt không đều
  • Mất cân bằng dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện, tăng cân hoặc giảm cân,..
  • Stress, căng thẳng, lo âu, mệt mỏi,…
  • Thay đổi môi trường sống
  • Mắc các bệnh phụ khoa ở tử cung và buồng trứng như: u nang buồng trứng, đa nang buồng trứng, u xơ tử cung,…
  • Một số bệnh cấp tính và mạn tính trong cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không? | Vinmec

Phân loại rối loạn kinh nguyệt

Bất thường về độ tuổi có kinh

  • Dậy thì sớm khi bé gái bắt đầu có kinh từ 8 tuổi trở xuống. Độ tuổi có kinh bình thường là 13 – 16 tuổi.
  • Dậy thì muộn ngược lại với dậy thì sớm, khi bé gái bắt đầu hành kinh sau 18 tuổi.
  • Mãn kinh sớm khi người phụ nữ không hành kinh nữa trước tuổi 40. Bình thường tuổi mãn kinh ở phụ nữ từ 45 – 55 tuổi.
  • Mãn kinh muộn ngược lại nếu người phụ nữ không hành kinh nữa sau 55 tuổi.

Ngày nay do chế độ dinh dưỡng và môi trường sống thay đổi khiến cho tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn và tuổi mãn kinh cũng có xu hướng muộn hơn. Do đó có những trường hợp bắt đầu có kinh lúc 8, 9 tuổi vẫn được xem là bình thường.

Bất thường về chu kỳ kinh

  • Kinh thưa khi vòng kinh dài trên 35 ngày. Bình thường chu kỳ kinh chỉ từ 22 – 35 ngày.
  • Kinh mau: Là khi vòng kinh ngắn dưới 22 ngày.
  • Vô kinh: Không có hành kinh từ 6 tháng trở lên.
  • Thống kinh: Đau bụng trước, trong hoặc sau khi hành kinh.

Bất thường về số ngày hành kinh

  • Rong kinh:
    • Kỳ hành kinh kéo dài trên 7 ngày
    • Lượng máu mất vượt quá 80 ml
  • Rong huyết:
    • Là hiện tượng ra huyết từ bộ phận sinh dục nữ kéo dài trên 7 ngày
    • Xuất hiện không theo chu kỳ nhất định
  • Kinh ngắn: Kỳ hành kinh chỉ từ 2 ngày trở xuống
  • Kinh nhiều: Lượng máu kinh trong cả chu kỳ trên 200 ml
  • Kinh ít: Lượng máu kinh ra rất ít, dưới 15 ml
  • Cường kinh: Khi máu kinh ra vừa nhiều, vừa kéo dài ngày
  • Thiểu kinh: Máu kinh ra ít và ngắn ngày
  • Bất thường về lượng máu kinh

Bất thường về các triệu chứng kèm theo kinh nguyệt

  • Thống kinh: Là hiện tượng đau bụng dưới khi hành kinh, nếu đau nhiều cơn đau có thể xuyên ra cột sống, lan xuống đùi và lan ra toàn bụng. Ngoài ra có thể thấy đau lưng kèm theo tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động.
  • Bất thường về phát triển nang trứng: Vòng kinh không phóng noãn: (vòng kinh không có sự phóng noãn ở giữa chu kỳ kinh như bình thường).

Rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh con, nên làm gì? | Vinmec

Biến chứng

Ngoài sự khó chịu trong sinh hoạt như đau bụng kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt, thì rối loạn kinh nguyệt kéo dài có thể tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập gây viêm phụ khoa.

Đặc biệt rối loạn kinh nguyệt kéo dài có thể gây khó thụ thai, dễ gây ra các tai biến khi mang thai hay các rủi ro khác cho thai phụ và em bé. Đồng thời mắc bệnh phụ khoa lâu ngày còn có thể dẫn đến vô sinh vĩnh viễn.

Điều trị và phòng tránh

Phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt.

Thuốc tránh thai có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh rối loạn kinh nguyệt cũng như điều tiết chu kỳ kinh. Nếu chu kì kinh nặng hay nhẹ hơn so với bình thường có liên quan đến tuyến giáp hoặc các chứng rối loạn nội tiết tố khác thì sau khi áp dụng liệu pháp thay thế hormone, chu kỳ kinh sẽ đều đặn trở lại.

Bên cạnh đó, để phòng tránh tình trạng rối loạn kinh nguyệt thì chị em cần loại bỏ các nguyên nhân trong sinh hoạt cuộc sống:

  • Ăn uống đúng bữa, dinh dưỡng cân đối và hợp lý cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể.
  • Làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tránh căng thẳng thần kinh và stress.
  • Tránh để lên cân quá mức.
  • Chú trọng vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách.
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và thăm khám phụ khoa giúp kiểm soát tốt nguy cơ mắc bệnh, phát hiện và điều trị những bệnh mạn tính hay các bệnh phụ khoa khác có thể có.

 

Trả lời